Phố Ngọc Lâm là phố có sớm nhất của thị trấn Gia Lâm; ban đầu con đường đó chỉ có một ít nhà cửa ở cạnh chợ và ở ngã ba con đường đi Hải Phòng. Phía bên kia đường cái là ba dãy nhà của Công ty Hỏa xa làm chỗ ở cho công nhân lái tàu và cai làm trong nhà máy. Dãy Củn là những ngôi nhà xây gạch đầu tiên ở đây. Ba dãy nhà đó một tầng nhiều gian thấp lè tè, chiều cao không quá ba mét, mỗi khoang rộng khoảng tám thước vuông, tường quét vôi pha đất đèn màu xám xịt; đằng sau là những gian nhà bếp nhỏ bé phù hợp với nhà trên. Giữa khu Củn có một ngôi đền nhỏ dựng dưới gốc một cây si già, đó là chỗ lễ bái của các bà buôn bán ở chợ, đền có một bà đồng già kiếm ăn bằng đèn nhang.
Nhiều gia đình thợ thuyền làm ở ga và nhà máy, vợ buôn thúng bán mẹt, không ở nhà Củn chật hẹp mà làm nhà ra mặt đường phố, những ngôi nhà lá sơ sài, họ mở hàng nước, hàng lá, dạy đám trẻ nhỏ con em thợ thuyền trong phố.
Khoảng sau năm 1920, trong phố đã có một số nhà gạch lợp ngói được xây cất lên thay thế cho những chiếc nhà lá. Rồi xuất hiện nhà hai tầng độ năm sáu chiếc. Chủ những ngôi nhà này hầu hết là những ông tài xế xe lửa và làm ở nhà Đềpô, mấy ông cai ở Nhà máy Xe lửa. Tài xế xe lửa làm giàu về buôn bán hàng ở ngược về, chủ yếu là thuốc phiện lậu; hàng lậu giấu ở chỗ kín trong đầu máy hoặc toa than; tàu về ga, vợ con ra mang làn cơm cho chồng, lúc về là hàng lậu. Còn cai nhà máy, đại đa số là người Hoa - họ là những công nhân lành nghề, được lòng tin của chủ Pháp - họ kiếm chác khá về đưa người vào làm, chấm công và vợ con cho vay lãi, ngồi cái họ.
Đường phố nhà tranh xen nhà ngói, quang cảnh lèo tèo, không có cửa hiệu lớn, từng quãng là mấy của hàng chữa và cho thuê xe đạp, một cửa hàng xén trung bình, vài ba hàng phở, hàng giải khát nước chanh bia đá.
Từ sau năm 1930, phố Ngọc Lâm tương đối đông vui vì ngôi chợ cùa thị trấn ở chỗ ngã ba con đường quốc lộ 5 và nhất là có bến xe ô tô khách ở ngay chỗ ngã ba trước dãy Củn. Xế cổng Nhà máy Xe lửa là một bãi bóng tròn, được sửa sang trong mỗi thời kỳ phong trào thể dục thể thao những năm 1935-1937.
Giữa phố có ngôi đình Ngọc Lâm, chỗ hội họp lễ bái của các cụ trong phố.
Trước của đình Ngọc Lâm, bên kia đường cái có một rạp hát, gọi là rạp hát mà chỉ là một nhà lá năm gian của ông Ký Đẩu. Khoảng năm 1936, thêm rạp Gia Lạc Đài, Trần Phềnh huấn luyện một gánh hát cải lương Hồ Quảng, đào tạo một số đào kép nhỏ tuổi.
Năm 1939-1940, Công ty Hỏa xa Việt Điền cho xây hai dãy nhà hai tầng ở trước sân vận động cho nhân viên ở, nhà vừa xây xong thì quân Nhật sang, bị chúng chiếm để đóng quân.