Hàng Đào là phố cổ, có những gia đình đến cư ngụ sinh sống lâu đời làm ăn giàu có, và không thiếu những nhà nho yêu nước. Nhà số 4 là gia đình cụ Cử Lương Văn Can, cha con anh em đều liên quan đến quốc sự hồi đầu thế kỷ XX. Lương Văn Can (1886-1927) người làng Nhị Khê, học trò trường Ngô Văn Dạng có truyền thống Vũ Tông Phan, đỗ cử nhân, không làm quan; ông sáng lập ra Đông Kinh nghĩa thục, bị Pháp đày vào Cao Miên, sau được về nhà và mất ở Hà Nội. Năm người con của Lương Văn Can đều là những người hoạt động cách mạng: Lương Trúc Đàm (dạy Đông Kinh nghĩa thục, viết Nam quốc địa dư); Lương Ngọc Quyến (xuất dương theo phong trào Đông du, sau khi học ở trường quân sự Nhật Bản, về nước hoạt động, bị bắt đày lên Thái Nguyên; ông đã phát động cuộc binh biến trong đám binh lính của thực dân do Đội Cấn cầm đầu, làm cuộc khỏi nghĩa Thái Nguyên năm 1917, bị tử trận); Lương Ngọc Nhiễm; con rể là Đặng Trần Long (nhà số 63); con gái ở nhà số 39 có cửa hàng tơ lụa.
- Thứ đến những ông đồ nho hết thời, cố giữ mình trong sạch, bảo vệ đạo đức con người. Nhà số 6 có Hoàng Đạo Thành (con rể nhà sư phạm Dưỡng Am), đỗ cử nhân, làm giáo thụ, rồi bỏ chức về dạy học, tác giả Việt sử tân ước. Nhà số 21 là gia đình Vạn Tường, nhà nho không đi thi, ở nhà dạy học và chữa bệnh, làm phúc hơn là lấy tiền thuốc, thuộc loại nhà nho ghét Tây không thèm biết đến cả chữ tây (người nhà phải khai báo gì đều thuê trưởng phố - Hoàng Đạo Thúy), nhà số 29 là gia đình một cụ đề (không rõ tên) thôi chức đề lại vì sợ thất đức (làm việc quan phải ác), sống nhờ chiếc lò nung nồi đất ở trong ngõ Văn Tân (Hoàng Đạo Thúy).
- Một gương mặt từ thiện của Hà Nội cũ: bà Cả Mọc Hàng Đào (nhà số 25). Bà tên là Hoàng Thị Uyển, còn gọi là bà Cả Vy, góa chồng sớm, có cửa hàng tấm trở nên giàu có; bà chăm làm việc thiện. Bà là người đứng lên bỏ tiền và hô hào bè bạn góp thêm lập ra Hội Kế sinh Hàng Đũa để chăm sóc những trẻ con nhà nghèo lê la ngoài đường ưong khi bố mẹ bận lao động kiếm ăn hằng ngày; đó là một nhà trẻ đầu tiên của Hà Nội (không lấy tiền) vừa trông nom vừa dạy dỗ trẻ thơ theo phương pháp giáo dục của một nhóm hướng đạo sinh vạch ra. Bà Cả Mọc còn lập ra một trại an dưỡng ở Phúc Yên thu nhận người già và tàn tật không chỗ nương tựa.
- Hàng Đào cũng là một phố đông gia đình quan lại cấp cao, họ thường có quan hệ thông gia với nhau ở ngay trong phố: nhà số 22 chỉ là một cửa hàng vải mà tấm hoành phi “Kiều mộc thế thần” khoe nhiều đời có người nối tiếp nhau làm quan. Nhà số 42, họ Vũ người Đông Cao, Vũ Thái Viên và Bùi Kỷ (ở số nhà 85) đều là dòng dõi khoa bảng và có quan hệ thông gia. Nhà số 58 là của Đặng Đức Cường, tổng đốc, con rể Trần Lưu Thứ ở nhà 57, Tú Mần nhà số 61. Bùi Khánh Diễn (được nhiều người biết vì đã chú thích Truyện Kiều) dạy học ở nhà số 91, sau đỗ cử nhân làm quan, con cháu đều làm quan: Bùi Thiện Căn, Bùi Thiện Cơ. Nhà số 48 là gia đình án sát Nguyễn Đình Liên. Nhà số 11 là gia đình anh em Từ Đạm tuần phủ.