Nhà máy Thuốc lá Yên Phụ được thành lập vào khoảng những năm cuối thập niên chín mươi thế kỷ trước. Đó là một công ty tư nhân, giám đốc đầu tiên là Leacheux (Lasơ).
Nhà máy khi mới bắt đầu cơ sở còn nhỏ, về sau mới xây thêm nhà, mở rộng thêm đất, có quy mô tương đối lớn. Nhà máy có dãy nhà một tầng xây hầm, ở dọc đường đê Yên Phụ, gồm mười mấy gian. Góc sân đầu đường Cửa Bắc có một ngôi nhà nhỏ, nơi làm việc của nhân viên nhà đoan đánh thuế thuốc lá.
Trong nhà máy, số nhân viên bộ phận quản lý và chuyên viên người Tây không nhiều: giám đốc quản lý xí nghiệp, kỹ sư chuyên môn chế biến vài ba người. Nhân viên văn phòng người Việt Nam dăm bảy người, số lượng công nhân thì nhiều, đa số là phụ nữ, làm ở các bộ phận chọn lá, rọc lá, ủ men, sấy thuốc, thái và quấn thuốc. Đàn ông làm thợ đốt lò, thợ điện, thợ mộc... Nhà máy dùng cả cai người Việt Nam và cai Hoa kiều. Công nhân nhà máy người làng Yên Định, Yên Canh, Yên Ninh không có mấy, mà phần đông ở những làng xa, tận Yên Phụ, Thụy Khuê, Bưởi.
Thuốc lá sản xuất là các loại xì gà hộp gỗ, thuốc quấn bao giấy nhãn hiệu Métropole, Favorite, trước những năm hai mươi được nhiều người biết đến và đưa bán khắp các thành phố lớn ở Đông Dương ( Indo chinoise).
Rồi không rõ vì sản xuất thất bại hay vì lý do gì mà vào khoảng năm 1929, thời kỳ bắt đầu có cuộc khủng hoảng kinh tế, nhà máy thuốc lá phải đình sản xuất; mấy năm sau cơ sở này về tay Công ty Nhà in Viễn Đông (Ideo). Hãng Ideo có cửa hàng bán sách báo ở phố Tràng Tiền kiêm nghề in, đang mở rộng kinh doanh, cần đất để mở nhà in lớn.
Hãng Ideo cho xây thêm nhiều nhà ở trong khu vực nhà máy: một ngôi nhà gác hai tầng có nhiều buồng làm phòng giấy, nhiều nhà kho chứa giấy và vật liệu. Bộ phận máy in đặt ở dãy nhà một tầng sát đê Yên Phụ. Nhà Ideo mua những thiết bị từ Pháp sang, nhiều máy in kiểu mới, công suất lớn, chữ in đẹp, tranh ảnh rõ. Số thợ in làm trong nhà máy khá đông. Ideo in nhiều sách và tạp chí nghiên cứu cho các viện khoa học, in sách giáo khoa, giấy tờ công báo cho chính phù. Nhà in Ideo hoạt động cho mãi đến năm 1945.
Cụ Lê Văn Kiệm làm thợ sắp chữ cho nhà in Ideo năm 1932. Mới vào phải lễ cai 20 đồng. Lương thợ học việc công nhật 3 hào rưỡi và một tháng lĩnh được 10 đồng 35 xu. Lên bậc thợ sắp chữ (ouvrier compositeur) thì được 12 đồng một tháng. Trần Quốc Hoàn (sau cách mạng là bộ cấp cao công đoàn) có làm thợ sắp chữ ở nhà in Ideo.