1. Ngõ Trung Tiền (cạnh nhà số 56 Khâm Thiên)
Một ngõ tương đối rộng, trước kia làm rộng để lấy lối cho xe ô tô vào. Ngay bên trong đầu ngõ là một ngôi nhà gác to rộng, tức là xưởng giày vải của nhà Tchi Hằng - một tư sản Hoa kiều (nay là trường dạy cắt may). Trung Tiền là tên một giáp của làng Văn Chương; ngõ này thông với các xóm cư dân bên trong thuộc đất các làng Văn Chương, Linh Quang đến tận Lương Sử.
2. Ngõ Cống Trắng (cạnh nhà bên số lẻ 91 và nhà bên số chẵn 100)
Cống Trắng là một cống xây gạch khá lớn đi dưới mặt đường Khâm Thiên; đó là cống của một con ngòi rộng đưa nước từ các hồ lớn vùng Linh Quang - Văn Chương sang phía Thổ Quan - Trung Phụng - Kim Liên, làm thoát nước thải của khu vực các phố phía tây thành phố. Dòng nước bẩn thỉu đầy rác rưởi, cống Trắng mới được cải tạo năm 1956, dòng nước được khoi rộng thoát nhanh đỡ mất vệ sinh.
Trước đây trên bờ cống Trắng hầu như không có nhà cửa; họa chăng chỉ có những túp lều dựng trên mặt ngòi ghé vào bờ của người làm nghề kéo vó, cả gia đình sống trong đó, hoặc mấy nhà tranh xiêu vẹo của những người nghèo sinh sống về nghề mò cua bắt ốc, đi làm thuê kéo xe, gánh nước đi vắng suốt ngày (gia đình nhà thơ Trần Huyền Trân thiếu thời là người của Cống Trắng). Hiện nay thì hai bên bờ cống Trắng đã được khai quang, cống Trắng thành một ngõ, song chỉ có những ngôi nhà hẹp một tầng mới làm lại sau trận bom tháng 12/1972. Ngõ đi sâu vào xóm trong.
3. Ngõ Văn Chương (cạnh nhà số 120 Khâm Thiên)
Thực tế là một đường phố rộng rải nhựa, đi thẳng vào khu nhà tập thể nhiều lớp xây dựng trên chỗ hồ ao trên đất làng Văn Chương được san lấp vào những năm 1960.
4. Ngõ Sơn Nam (cạnh nhà số 132 Khâm Thiên)
Một ngõ nông, ngoài mặt phố là một dãy nhà gác mười gian, lối đi vào ờ gian chính giữa; bên trong hai cạnh ngõ là hai dãy nhà mười gian nữa, trong cùng chính giữa là một ngôi nhà to đẹp. Tất cả là của một chủ nhà đất là Sơn Nam, thầu khoán và buôn bán vật liệu xây dựng ở đường Nam Bộ.
5. Ngõ Liên Hoa (cạnh số nhà 142 Khâm Thiên)
Lối vào nhỏ hẹp đi vào khu chùa Liên Hoa, tên chữ là Thiên Bảo tự, bên trong ngõ là một xóm nhà nhỏ làm xung quanh chùa; đi sâu vào nữa là hồ ao có lối sang làng Linh Quang (trong ngõ có nhà chánh tổng Trác, gia đình vai vế).
6. Ngõ Lệnh Cư (cạnh số nhà 127 Khâm Thiên)
Lối vào hẹp, nhà hai bên lối vào thấp bé; quá phía trong là xóm nhỏ nhà có vườn cây nên bên trong ngõ thông thoáng, có lối đi sang Quan Thổ.
Trong ngõ nguyên là bãi tha ma cũ; có một ngưòi là Đội Khánh đi lính cho Pháp, tậu đất làm nhà cho thuê (năm 1938-1939), nên có tên là Đội Khánh. Tên Lệnh Cư là do trong ngõ có khu đất vẫn gọi là gò Ống Lệnh, tương truyền là nơi ra hiệu lệnh xuất quân của ba anh chị em họ Đào, tưởng của Hai Bà Trưng, được thờ làm thành hoàng đình làng Thổ Quan.
7. Ngõ Đại Đồng (cạnh số nhà 160 Khâm Thiên)
Lối vào hẹp, hai bên là tường cạnh của nhà phố Khâm Thiên; đi sâu vào trong có nhiều ngỗ ngách phụ, nhà cửa làm trên các mảnh đất thừa ở sau các nhà phố Khâm Thiên. Ngõ này trước kia có tên là ngõ Giếng vì bên trong có một giếng nước to của làng, cả vùng này vào gánh nước về dùng. Đại Đồng là tên mới đặt sau năm 1954 (trong ngõ có nhà Cả Thẩn, Cả Nhân là tay anh chị kiếm ăn ở khu vực này).
8. Ngõ Hòa Bình (cạnh nhà số 214 Khâm Thiên)
Trong ngõ có nhiều nhà gác to cao, như nhà thờ họ Phạm (dòng dõi Phạm Ngũ Lão); ngõ đi vào sâu, có nhiều ngóc ngách, thông đến khu nhà tập thể Vặn Chương. Trong ngõ tập trung nhiều gia đình người họ Trịnh (Trịnh Đình Nguyên, chủ hãng ô tô khách chạy đường Hòa Bình), có nhà thờ họ Trịnh.
9. Ngõ Tràng Duệ (cạnh nhà số 232 Khâm Thiên)
Ngõ nhỏ, bên trong ít nhà.
10. Ngõ Trung Tả (cạnh nhà số 264 Khâm Thiên)
Ngõ có cổng xây bên ngoài, nhưng lối đi vào hẹp, hai bên ngõ vào đều kín nhà. Bên trong có đền Trung Tả, thờ Lê Thánh Tông và thái hậu Quang Thục. Trung Tả là tên một giáp của làng Văn Chương. Đường bên trong ngõ rộng hơn bên ngoài mới vào, và có nhiều nhà hai tầng. Trong ngõ có xưởng nấu thủy tinh của nhà Thanh Đức Hàng Bồ; vào sâu nữa là xóm nhà làng Văn Chương; ngõ thông sang cả phố Hàng Bột (tên trùm cờ bạc Hai Cua là người trong ngõ Trung Tả).