Nơi phong cảnh quyến rũ nhất đối với người Hà Nội là hồ Tây. Muốn di dưỡng tính tình sau những giờ làm việc căng thẳng, hoặc phải sinh sống trong những phố xá ồn ào, bụi bậm, hoặc nhất là bị giam hãm trong những khu nhà cửa chật hẹp nóng bức thì hồ Tây là nơi đem lại cho ta những cái đền bù khao khát ấy. Dạo trên bờ hồ, đi trên con đường Cổ Ngư, hai bên ta là khoảng trời nước. Hồ Trúc Bạch diện tích hạn chế hơn hồ Tây, chung quanh lô nhô nóc nhà cao thấp thêm mấy cái ống khói nhà máy đen sì, song dù sao cũng vẫn là khoảng rộng đầy nước, mặt hồ sóng gợn lăn tăn, nước cộng với cây xanh bên hồ đem lại cảm giác mát mẻ. Phía bên hồ Tây còn hơn thế. Trời nước bao la, tầm con mắt đi tít mãi vào cảnh sưong mờ mờ trăng trắng xanh lơ dìu dịu, chân trời như cuốn hết cái nhọc mệt của cơ thể ta và cả cái nặng nề trong tâm trí ta...
Hồ Tây - con đường Cổ Ngư - con đường dạo mát của dân Hà Nội nhũng chiều hè oi bức, nơi tự tình của những cặp đến đây hưởng cái kín đáo tĩnh mịch hợp với cảnh “hẹn non thề biển” trước thiên nhiên cao rộng. Mùa hè hằng ngày nườm nượp khách du ngoạn. Kể cả nhũng tháng lộng gió heo may, hoặc khi mặt nước hồ thốc những trận gió bấc căm căm, không phải không có người Hà Nội ra đây hưởng thú trời nặng trĩu mây đen, sóng vỗ dạt dào nước xô vào bờ tung bọt trắng...
Đối với một số người Hà Nội, hồ Tây còn hấp dẫn vì bản thân nó là một vùng đất mang đầy hụyền thoại lịch sử, một nơi giàu những yếu tố địa lý lịch sử làm say mê người nghiên cứu, một kho báu tàng trữ tự liệu thi văn cho những ai thích sáng tác theo thể loại gì cũng được. Đến với hồ Tây là để quên mình trong cảnh sắc đó, trở lại với quá khứ xa xưa với linh hồn dân tộc đất nước.