Chỗ ngã năm ô Chợ Dừa, phần đất phía bắc và phía đông, đầu ba con đường Hàng Bột, Khâm Thiên và La Thành là đất làng Thổ Quan - phần đất phía tây cửa ô là của làng Thịnh Hào, phần đất phía nam là của làng Xã Đàn.
Làng Thổ Quan trước năm 1945 thuộc tổng Vĩnh An, huyện Hoàn Long. Trước kia làng này là hai thôn thuộc hai tổng khác nhau, đó là thôn Quan Thổ thuộc tổng Hữu Nghiêm huyện Thọ Xương, và thôn Quan Trạm thuộc tổng Hạ, huyện Vĩnh Thuận. Thôn Quan Trạm ở phía đông phố Hàng Bột và phía nam Khâm Thiên, thôn Quan Thổ ở phía tây phố Hàng Bột Đến giữa thế kỷ XIX, hai thôn Quan Trạm và Quan Thổ sáp nhập vói nhau thành xã Thổ Quan, và Quan Thổ, Quan Trạm là hai giáp của xã mới.
Làng Thổ Quan nằm trên một địa bàn khá rộng, nhưng không phải là một xã lớn, vì số nhân khẩu năm 1927 chỉ có 381 người (Ngô Vi Liễn: Les communes du Tonkin).
Thổ Quan là một làng cổ, tương truyền người Thanh Hóa (xưa là Hoan Châu) ra lập nghiệp ở Thăng Long từ thời xa xưa. Đình làng Thổ Quan thờ ba chị em họ Đào làm thành hoàng. Ba chị em họ Đào - chị là Phượng Dung, hai em trai là Hiển Hiệu và Quý Ninh - là những vị tướng theo Trưng Vương chống nhau với quân nhà Hán ở ngay tại nơi đây. Địa phương còn ghi dấu vết hoạt động quân sự của chị em họ Đào bằng những tên Bãi Trận, Lệnh Cư, Hồ Đồn... Đình Thổ Quan có tấm bia khắc năm 1930 ghi lại sự tích đánh giặc của ba chị em họ Đào.
Thông với ngoài phố Khâm Thiên, có những ngõ: bên phía nam ở thôn Quan Trạm có ngõ Lệnh Cư (số 127), ngõ Trại Khách (số 215); bên phía bắc ở thổn Quan Thổ có ngõ Nam Thái (thông ra phố Khâm Thiên số 350), ba ngõ thông ra phố Hàng Bột là Quan Thổ 1,2 và 3 (số nhà 242,256 và 264).
Người làng cũ của Thổ Quan có mấy họ lớn: họ Nguyễn Đinh (lâu đời và đông người nhất) và Nguyễn Thế, họ Lê, họ Trịnh, họ Ngô... Người làng xưa kia không có ai đỗ đạt đại khoa; thời Pháp thuộc cũng ít người đi học và học được đến trung học. Khoảng những năm bốn mươi, thủ chỉ làng là Tổng Khoa, tức là nhất làng xuất thân chỉ là chánh tổng bá hộ. Người ta nói rằng người làng phát võ, nghĩa là ít học, nhiều người đi lính.
Đầu làng sống về nghề trồng rau thả cá vì làng có nhiều ao (hồ Đình là hồ lớn nhất). Làng ở sát ven nội, người làng ra phố làm thợ, đông nhất là thợ làm đồ sắt như uốn chấn song, hoa cửa, ban công... không có ai giàu lớn lên được (như nhiều làng ven nội khác ra tỉnh làm thợ, rồi làm cai, làm thầu khoán chóng giàu có), vì kiếm được tiền lại ham mê cờ bạc chơi bời hết cả.
Đất của làng bán dần cho người ngoài phố vào tậu, làm nhà để ở hoặc cho thuê. Trước những năm 1938-1940 chưa có mấy người vào mua đất ở đây; chỉ có một người Hoa kiều đầu tiên vào tậu 40 mẫu ta ở xóm Đình (năm 1930), lập ra khu Trại Khách; người đó tên là Tám buôn tơ sợi ở trên phố, y xây biệt thự nhà hai tầng, sân vườn rộng có hồ bán nguyệt, nhà bát giác thủy tạ, chuồng nuôi hươu nai. Chỗ ngõ vào thành tên ngõ Trại Khách.
Ngõ Trại Khách kín dần nhà hai bên đường; đó là những ngôi nhà nhỏ một tầng của người ít tiền làm để ở, hoặc chủ thầu làm cho thuê rẻ tiền cho những công chúc, nhân viên sở tư lương ít. Tuy ở chỗ đầu lối phố Khâm Thiên vào có dãy nhà hai tầng của Hai Cua làm cho thuê (Hai Cua cùng với Cửu Khê mở lò bánh mì, nhưng nghề chính làm giàu là mở sòng bạc).
Từ sau năm 1938, đông người bên ngoài vào làng mua đất làm nhà; người thì làm thầu khoán (Đội Khánh có hai ngôi nhà lớn ở xóm Đình), người thì buôn bán lớn trên phố (Cơ Quang có hiệu bán đồ điện ở Hàng Bông).