Làng Thịnh Quang trước kia có tên là Thịnh Quang Trại, đến cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX gọi là Thịnh Quang Sở. Gọi là trại hay sở là vì làng ít người, chưa đủ tư cách là một thôn hoặc một xã, và chỉ là một bộ phận của một xã lớn. Tuy nhiên về sau khi thống nhất việc đặt tên các đơn vị hành chính xã của huyện Hoàn Long thì Thịnh Quang cũng chính thức được coi là một xã, có lý trưởng, có hội đồng kỳ mục.
Làng Thịnh Quang trước kia diện tích cũng khá rộng; phía bắc và phía đông giáp làng Nam Đồng và Khương Thượng, phía nam giáp con đường Láng và Ngã Tư Sở, phía tây giáp làng Láng Hạ. Năm 1892, Hoàng Cao Khải mở ấp Thái Hà, làng Thịnh Quang bị cắt mất nhiều ruộng đất, làng bị thu hẹp lại chỉ còn lại một phần ba diện tích cũ.
Làng nhỏ, ít người (theo Ngô Vi Liễn: Les communes du Tonkin, năm 1928 Thịnh Quang Sở có 725 người), lại không còn mấy ruộng đất, đa số người làng phải “tha phương cầu thực”, một số theo người ta vào tận Nam kỳ kiếm ăn, sinh sống về các nghề phục vụ như cắt tóc, thợ may, mở quán ăn uống tại Sài Gòn và Lục tỉnh.
Thịnh Quang có mấy họ gốc, tương đối lớn là: họ Trần (có Trần Xuân, Trần Quý, Trần Duy), họ Nguyễn (có Nguyễn Hữu, Nguyễn Duy, Nguyễn Đức), họ Đoàn. Họ Trần đông người, có nhiều người đi làm xa, giàu có. Họ Nguyễn thì có thế lực ở trong làng vì có người ra làm chức việc, làm lý trưởng, chánh tổng (năm gần cách mạng, chánh tổng tổng Yên Hạ là người làng này). Từ năm 1936 trở đi, nhiều người gia đình có người nhà ở trong Nam gửi tiền về cho người nhà xây cất nhà ngói (như Trần Xuân Đỉnh, Trần Duy Đạm ở xóm trên đầu làng gần Láng Hạ).
Thời nho học trước kia, không thấy truyền lại là làng có ai đỗ đạt gì to và làng cũng không thấy có quan. Đến thời Pháp thuộc, gần làng không có trường học, học trò muốn học hết cấp tiểu học phải xuống tận Mọc Quan Nhân mới có trường. Ít người có bằng cấp đủ để đi làm việc nên người làng ra làm công chức chỉ có vài ba ông giáo tiểu học, một ông phán tòa sứ, ông phán sau này được phân bổ làm tri châu. Những người đi làm việc nhà nước không có ai làm nhà cho gia đình ở lại trong làng.
Thịnh Quang có bốn xóm: xóm Đình (còn gọi là xóm Trên), xóm Cống Nông (xóm có chiếc cống dẫn nước từ Thái Hà về, nước tưới ruộng), xóm Bờ Giếng, xóm Ao Và (còn gọi là xóm Chùa).
Làng chia thành bốn giáp, theo đơn vị xóm.
Đình làng ở xóm Trên. Thành hoàng làng là một nữ thần (chưa rõ lai lịch) ; làng vào đám ngày 21 tháng hai. Lệ làng cũng nhẹ, vì làng nghèo; làng có trích ra một mẫu đất công làm “ruộng oản" (ruộng dành hoa lợi để cúng lễ thần).
Chùa ở ngoài làng, gần đường cái Thái Hà đi Ngã Tư Sở; cạnh chùa có một dải đầm nước lớn gọi là Ao Và.
Như trên đã nói, vì ruộng làng còn lại không nhiều sau khi lập ấp Thái Hà, nên không có mấy gia đình chuyên sống về nghề nông. Đàn ông theo nhau đi làm xa vào tận Nam kỳ; trong làng còn lại những ông già bà cả và trẻ con, những gia đình này sống nhờ vào tiền do ngưòi nhà đi làm ăn gửi về. Đàn bà trong làng nhiều ngưòi đi buôn tại các chợ, mớ rau, con cá, thúng gạo, thúng đỗ, đem ra Hà Nội bán.
Người làng Thịnh Quang còn một nghề cổ truyền là nghề cắt tóc; tuy vậy cũng chỉ có vài chục người làm nghề này, trước kia chuyên đi rong cạo mặt, cạo râu, lấy dáy tai, sau đổi sang cắt tóc dao kéo tông đơ (nghề cắt tóc cổ truyền là của người hai làng Kim Liên và Thịnh Quang, sau thêm người làng Nam Đồng).