Làng Nhược Công - sau năm 1954 đổi tên là Thành Công - ở phía nam con đường Giảng Võ, về mặt hành chính thì thuộc tổng Hạ huyện Vĩnh Thuận (tổng Hạ sau đổi làm tổng Yên Hạ huyện Hoàn Long), nhưng về mặt địa lý thì gần với khu Giảng Võ hơn là với Yên Lãng hoặc Nam Đồng.
Nhược Công là một làng nhỏ, thực chất bị ép vào giữa một bên là làng Yên Lãng to rộng, một bên là xóm Hoàng Gầu của xã Thịnh Hào, mé dưới là Nam Đồng. Diện tích của làng chưa được 10 mẫu. Số nhân khẩu là 316 người. Làng Nhược Công không có mấy ruộng vì đất làng Yên Lãng lên đến sát rìa làng. Công điền có một mẫu dùng làm ruộng cúng lễ của đình. Đàn anh trong làng tiếng là có ruộng tư cũng chỉ có vài ba sào là nhiều.
Hai làng Giảng Võ và Nhược Công nằm đối diện sát hai bên đường cái vậy mà Nhược Công không có lối ra; vì đường cái là của làng Giảng Võ; làng Nhược Công còn cách đường cái một dải đầm nước, người làng ở bên ưong muốn lên đường cái phải lộl qua một cánh đồng đầy nước.
Làng Nhược Công có mấy họ gốc là họ Lê (đông người nhất), họ Nguyễn (chia làm nhiều chi), họ Bùi, họ Đỗ, họ Hoàng. Làng nhỏ không chia thành giáp. Làng có ba xóm cũng là ba ngõ chính là ngõ trong, ngõ giữa và ngõ ngoài.
Đình Nhược Công làm ở ngoài cánh đồng ở phía nam; đình làng cũng khá to mặc dù Nhược Công chỉ là một xã nhỏ. Đình thờ thần Linh Lang; vào đám ngày 13 tháng 2, rước chung với làng Láng.
Làng không có chùa, người đi lễ Phật thường xuống lễ ở chùa Láng. Đình ở ngoài làng nhưng trong làng lại có miếu để thờ một ngưòi đi đánh giậm chết ở giữa làng, người làng cho là thiêng, lập miếu cúng bái (theo cụ Lý Uẩn), làng còn có điếm. Gọi là điếm song là nơi thờ thổ kỳ và cúng hậu làng; hằng năm dân làng tổ chức lễ cầu mát tháng tư ở điếm. Thày cúng Thống Tự là người có uy tín.
Người làng Nhược Công thiếu ruộng để cày cấy, phải đi cày thuê cuốc mướn kiếm ăn; đàn bà đi mò cua bắt ốc, không quen chạy chợ và cũng không có vốn. Nghề dệt vải thất truyền đã lâu, nay không thấy ai còn nói đến nữa. Đàn ông chuyên sống về nghề bốc vác, bát tê, kéo xe tay, xe bò. Ngưòi làng không có ai làm thợ, không có người đi làm sở tư, nhà máy, vì làm thợ phải học nghề, không có điều kiện cơm nhà học việc một thời gian dài, không có họ hàng dìu dắt nhau.
Tuy vậy làng Nhược Công cũng có hai gia đình có người làm công chức lớp trung: một là thông phán (Hàn Duy) thông gia với một gia đình có người ra ứng cử nghị viện dân biểu hàng tỉnh. Họ là người ra ngoài làm ăn khấm khá rồi về làng, họ có nhà ngói, hai ngôi nhà ngói duy nhất của Nhược Công.