Làng Hồ Khẩu phía đông giáp hồ Tây và làng Thụy Khuê, phía bắc giáp hồ Tây, phía tây giáp làng Đông Xã, phía nam giáp Đường Thành (Hoàng Hoa Thám) và làng Vĩnh Phúc.
Hồ Khẩu là một làng có lịch sử lâu đời. Di tích còn lại như đền Đồng Cổ, có từ đời Lý thế kỷ XI. Đền Đồng Cổ ở xóm Đông, trên bờ sông Tô Lịch. Đền bị phá hủy nhiều lần, nay chỉ còn sót lại có hậu cung. Theo thần tích thì thái tử nhà Lý là Phật Mã đi đánh Chiêm Thành, qua đền Đồng Cổ ở Đan Nê (Thanh Hóa) có cầu thần linh phù hộ; khi thắng trận trở về, Phật Mã lập đền thờ thần Đồng Cổ ở Hồ Khẩu trên bờ sông Tô Lịch; rồi khi Phật Mã lên ngôi, dẹp được loạn “Tam vương”, đã lấy đền này làm nơi hằng năm hội các quan đến ăn thề giữ lòng trung với vua. Trong đền còn giữ được nhiều sắc phong của triều Cảnh Hưng (năm Giáp Thân 1784), triều Quang Trung (Tân Hợi 1791) và triều Cảnh Thịnh (Quý Sửu 1793).
Đình làng Hồ Khẩu ở số nhà 20 phố Yên Thái; trong đình thờ hai anh em Cống Lễ và Cá Lễ, hai nhân vật ở đời Lý Thần Tông (Thiên Thuận 1128- 1132) có công dẹp giặc giữ nước; cống Lễ được phong làm Dực Thánh tướng quân, có đền thờ riêng ở xóm Bắc ven hồ; Cá Lễ được phong làm Vệ Quốc tướng quân có đền thờ riêng ở số 12 Yên Thái.
Trên đất làng Hồ Khẩu còn đền Voi Phục ở trên bờ hồ Tây và sông Tô Lịch, giáp ranh với đất làng Thụy Khuê, tức là đền thờ Uy Linh Lang. Ngang chỗ đó trước kia có một ngôi chùa cổ, nay không còn, tức là chùa Đõ ở cạnh con ngòi thông hồ Tây với sông Tô Lịch, gọi là cống Đõ.
Hồ Khẩu có 5 xóm: xóm Đông (trên bờ sông Tô Lịch), xóm Dốc, xóm Dừa, xóm Ngoài (sát mé hồ) và xóm Giữa. Làng chia làm hai giáp: giáp Đông và giáp Bắc.
Làng có đình, có văn chỉ, có chùa (nay chỉ còn sót lại có cái nền). Ngoài ra còn hai ngôi miếu thờ riêng hai anh em Cống Lễ và Cá Lễ.
Người làng Hồ Khẩu thuộc mấy họ: đông người có họ Đinh, họ Lý, họ Nguyễn (họ này gốc người tỉnh Son Tây); họ ít người có họ Hồ và một số họ khác mới nhập cư. Làng Hồ Khẩu năm 1928 có 1.295 nhân khẩu (theo Ngô Vi Liễn sách đã dẫn). Họ Lý có người khai khoa của làng: Lý Văn Phức đỗ cử nhân khoa Kỷ Mão (Gia Long 1819); ông ra làm quan, nhiều lần đi công cán ra nước ngoài: Tân Gia Ba, Lữ Tống (Philippines), Quảng Đông, về giao dịch buôn bán; Lý Văn Phức là tác giả nhiều sách viết về lịch sử và văn học (thơ và ký).
Hồ Khẩu cũng bị cái vạ phá phách cướp bóc của quân Cờ đen năm 1883.
Dân làng Hồ Khẩu không có nông nghiệp chuyên canh vì thiếu mộng đất cày cấy; họ sống chủ yếu về nghề làm giấy. Giấy sản xuất tại các gia đình. Nghề này đòi hỏi ở mỗi đơn vị sản xuất phải có bảy, tám người (bốn người seo, hai người làm hàng, hai hoặc ba người phụ), vì vậy người trong làng gặp những ngày nhiều việc có tổ chức làm đổi công cho nhau.
Làng Hồ Khẩu có những bãi đất rộng ở cả bên phía nam đường cái lớn và ở đấy chỉ trồng một ít hoa màu, còn phần lớn bỏ hoang làm bãi tha ma và nơi đi đại tiện của người làng. Đất chỗ sát mé hồ, một phần ít là mộng trồng lúa, còn thì mùa mưa bị ngập, nên việc trồng trọt cũng tùy theo mùa và nước ngập cao thấp, chỗ thì trồng rau, chỗ thì thả sen. Còn thừa đất cao ráo thì phải dành làm chỗ tha ma mộ địa. Tuy thế mà trước 1945, những gia đình xóm ven hồ vẫn phải theo sổ sách đóng thuế 18 mẫu trồng màu.