Do mạng lưới kênh rạch chằng chịt mà miền Tây sở hữu rất nhiều chợ nổi: Cái Bè (Tiền Giang), Cái Răng (Cần Thơ), Phụng Hiệp, Trà Ôn, Long Xuyên, Cà Mau... Qua thời gian đường sá được cải thiện, có khu chợ nổi đã không còn hoạt động, có chợ chuyển đổi thành du lịch hóa. Chỉ có Ngã Năm là còn nguyên vẹn, thuần chất và chưa chịu tác động của du lịch.
Chợ thường họp rất sớm ngay từ 4 đến 5h sáng. Đông đúc nhất thường từ 6h đến 7h khi hàng trăm ghe thuyền tụ họp lại huyên náo cả bến sông. Đặc biệt sau thời điểm 23 tháng Chạp, chợ Ngã Năm hầu như họp từ sáng đến tối. Thường để quảng cáo cho mặt hàng mình bán, người dân miền Tây sẽ treo sản vật đó lên trên một cây "bẹo" treo đầu thuyền. Ở Ngã Năm ngoài cây "bẹo" truyền thống, nhiều hộ kinh doanh đa dạng đã "sáng tạo" treo nhiều đồ trên cây đòn trước mái che. Từ thịt cá, rau củ, mắm muối, đặc sản địa phương đến các nhu yếu phẩm cần thiết... tất cả đều có thể được tìm thấy ở khu chợ nổi này. Mọi hoạt động mua bán đều diễn ra trên ghe thuyền, một nét đặc trưng chỉ có thể thấy ở miền Tây sông nước. Những "xe hoa" chạy động cơ xuồng máy băng băng trên sông. Sát Tết nên đâu đâu trong chợ cũng có thể bắt gặp hoa kiểng trang trí. Trái cây cũng là mặt hàng bán chạy nhất trong những ngày này, với các sản vật địa phương nổi tiếng của xứ miệt vườn cây ăn trái: dừa, dưa hấu, bưởi, roi (mận), chuối, thơm... Các mẹ, các chị làm thêm dịp sát Tết bằng nghề chèo đò, ghe cho du khách dạo một vòng chợ nổi tham quan.
Điều thú vị nhất với du khách khi đi chợ nổi miền Tây là trải nghiệm các món ăn địa phương ngay trên mặt sông nước. Những thuyền đồ ăn được di chuyển khắp nơi trong chợ, phục vụ từ người bán đến người đi tham quan. Các món có bún nước lèo, bún riêu, bún thịt nướng, cháo huyết heo đến tô cơm sườn nóng hổi. Ngã Năm tuy nằm ở vị trí không thuận tiện đi lại, nhưng những năm gần đây càng ngày càng được biết đến, cùng với Chùa Dơi, lễ hội Ok Bom Bok, bánh pía, bún nước lèo... Đó là những điểm nhấn không thể bỏ qua của Sóc Trăng, đặc biệt thời gian cận kề Tết nguyên đán.