Xã Nhân Mục Môn xưa có bốn thôn, trong đó có Cự Lộc và Chính Kinh là hai thôn ở sát liền nhau; trong quá trình lịch sử có nhiều thời kỳ có hiện tượng sinh hoạt chung và sáp nhập với nhau thành một đơn vị hành chính. Dù chia đôi hay hợp nhất, hai làng vẫn chung đình chùa. Sở dĩ có những thời kỳ chia cắt làm hai là do xích mích mâu thuẫn giữa mấy họ có thế lực kèn cựa với nhau (thí dụ như tranh nhau làm tiên chỉ). Thời thuộc Pháp, Cự Lộc và Chính Kinh là hai xã riêng, thở thành hoàng riêng (Cự Lộc thờ Lã Đại Liêu, tuớng đời Hùng; Chính Kinh thờ Đoàn Thượng, tướng đời Lý); mỗi làng có lý trưởng giữ triện đồng riêng. Cự Lộc nhỏ hơn Chính Kinh nhưng lại là sinh quán của Lê Hoan, xuất thân hèn mọn, làm lính cho Hoàng Cao Khải, lập công với Pháp, leo lên chức tổng đốc và khâm sai Bắc kỳ, hách dịch một thời; Chính Kinh có Tuần phủ Nguyễn Hữu Đắc xuất thân khoa cử, đỗ cử nhân nho học, đối với làng xã có nhiều uy tín hơn Lê Hoan.
Khi hợp nhất thì hai làng Mọc nói trên có tên chung là Cự Chính, nhưng dân làng vẫn gọi tên riêng của mỗi thôn.
Cự Chính có hai cổng làng xây gạch: một cổng đi ra đường thượng đạo cũ từ Phùng Khoang lên cầu Mọc, trên cổng còn đắp chữ “Hoa Kinh Lý Môn"; một cổng quay ra đường số 6 từ Hà Đông đi Hà Nội qua Ngẵ Tư Sở, trên cổng đề ba chữ “Nhân Mục Môn".
Làng Cự Chính có bốn xóm chính:
- Cự Lộc giáp Cầu Mới trên sông Tô là một xóm;
- Xóm Thọ ở giữa làng, có lối đi ra cả hai cổng Nhân Mục Môn và Hoa Kinh Lý Môn; một xóm lớn trong có nhiều gia đình giàu có;
- Xóm Đình ở phía cổng Hoa Kinh Lý Môn đi ra đường cũ thượng đạo; nhà cửa xóm này tập trung quanh ngôi đình làng.
Ngoài ra còn kể thêm: xóm Tó, một xóm nhỏ mới có về sau ở cạnh đường số 6 gần cầu Mới, do người làng Thượng Đình sang làm nhà ngụ cư trên đất Cự Lộc rồi thành một bộ phận của làng Cự Chính; xóm Vườn Nở ở mé phía bắc đình làng, do một chí họ Nguyễn (có cụ tổ làm tể tướng thời Hậu Lê) thấy chỗ đất đó vuông vắn đẹp đẽ, cắm lập dinh, lâu ngày đông người đến ở thành xóm; xóm Vườn Điều của Chính Kinh lại lấn sang đất của Quan Nhân ở phía bắc, cũng là một xóm của một họ Nguyễn, theo phong thủy, chọn kiểu đất đẹp làm nhà thờ họ, con cháu đến thêm ở chung quanh nhiều nhà thành xóm. Vườn Nở, Vườn Điều là những nơi có trồng nhiều hoa.
Đình làng Chính Kinh còn có tên là đình Cóc do trên hai cột trụ tam quan có đắp hai con cóc lớn có ý nghĩa huyền thoại về một cuộc nam chinh Chiêm Thành của triều Lý. Làng vào đám cùng ngày với các làng Mọc khác (ngày 9 tháng hai âm lịch). Đình mới được xây dựng vào cuối thế kỷ XIX trên cơ sở một ngôi đình cũ nhỏ, do Khâm sai Lê Hoan và Tuần phủ Nguyễn Hữu Đắc đứng lên cùng làm; đình chia làm hai khu đông và tây; mỗi bên có bày sập sơn son thếp vàng, một bên là của Cự Lộc, thủ chỉ hàm quan võ, một bên là của Chính Kinh, thủ chỉ hàm quan văn, ngôi thứ ngang nhau.
Đình có nhiều bộ phận phụ: nhà Mộc Dục tức là một ngôi nhà nhỏ xây kiểu vuông cạnh một cái giếng xây, chỗ lấy nước tắm tượng thần trước ngày vào đám; và nhà Tê là nơi để hằng năm làng họp tế ngày vào đám chung. Đình Cự Chính bị đốt phá trong kháng chiến chống Pháp năm 1947 chỉ còn sót lại có hậu cung (nhà Tế nay là trụ sở ủy ban nhân dân xã).
Cự Chính có nhiều họ lớn như họ Nguyễn (hai chi Nguyễn đều là họ đông người) có nhiều ngưòi học hành đỗ đạt làm quan; họ Lê, họ Hoàng, họ Lưu. Có họ Tạ chỉ có mấy gia đình; họ Vũ có một gia đình, làm rể làng ngụ cư và có người làm quan.
Chính Kinh là đất văn học và có nhiều gia đình giàu có. Xóm Thọ có dinh cơ của Tuần Đắc; họ Nguyễn xây từ đường ở gần lối ra cổng Hoa Kinh, đề bên ngoài là “Thái Bảo từ môn” (Thái Bảo là tước triều đình ban cho ông tổ họ Nguyễn), có ý muốn đối lập với dinh Thiếu Bảo của Lê Hoan bên Cự Lộc. Dinh của Lê Hoan là một khu ấp lập ra bắt chước ấp Thái Hà của Hoàng Cao Khải, trong rộng hai mẫu có nhiều tòa nhà lớn (dinh Lê Hoan nay là xưởng giày vải Thượng Đình).
Làng Cự Chính giàu có, nhà ngói được hai ba chục chiếc, phần nhiều là của gia đình quan lại, công chức (ngoài dinh cơ của Tuần phủ Đắc, Khâm sai Hoan, còn nhà Phán Lưu làm ở tòa Đốc lý Hà Nội; nhà Bát Hạt, chú của Phán Lưu, đốc công Trường Kỹ nghệ Hà Nội, được thưởng bát vì đã đúc tượng Khải Định bày ở làng; nhà Huyện Mai, nhà Huyện Hoan, nhà Phán Thục, Nha Học chính, v.v.).
Làng có nhiều người xuất ngoại: đi làm quan, làm công chức, buôn bán; người giàu thì ngày càng làm giàu lớn, người hèn kém ở lại trong làng thì không có hoặc có quá ít ruộng và không có nghề phụ, phải lĩnh canh của nhà giàu, mỗi gia đình năm ba sào, cày cấy không đủ ăn.