Đình Tây Đằng (xã Tây Đằng, huyện Ba Vì) thờ thần Tản Viên. Đình được xây vào thế kỷ XIV (đời Trần), sửa chữa một lần dưới thời Hồng Đức, thế kỷ XV. (Văn hóa nghệ thuật số 94/1979).
Đình xây theo kiểu chữ nhất. Đình làm bằng gỗ lim, cao 8,5 mét, dài 22 mét, rộng 11 mét, gồm năm gian và hai chái. Cột to hơn vòng tay nguời ôm. Đình không có nhà tiền tế, không có hậu cung, quy mô không lớn hơn so với nhiều đình khác, nhưng giá trị ở những vật trang trí.
Đầu đao mái đình uốn cong, gắn long ly quy phượng bằng đất nung màu gan trâu. Trong đình chỗ nào là gỗ đều được chạm trổ hoa lá, giống như nhiều đình khác, nghệ thuật điêu khắc mang phong cách Hậu Lê.
Đáng kể hơn cả là các bức chạm gỗ tả cảnh sinh hoạt dân gian thông thường: tiều phu gánh củi, thợ săn hổ, boi thuyền uống rượu, mẹ gánh con, trai gái chải đầu cho nhau, múa võ, leo dây nhào lộn.