Ngày 23/02/2016, Sở VHTTDL đã phối hợp với UBND huyện Tuy Phong và xã Bình Thạnh vinh dự và long trọng tổ chức Lễ đón nhận Bằng xếp hạng di tích cấp tỉnh đối với Khu di tích lịch sử Cát Bay, xã Bình Thạnh.
Trong những năm kháng chiến chống Pháp, làng Cát Bay được coi là địa bàn cung cấp nhân vật lực, là cửa ngõ có vị trí đặc biệt quan trọng và là bàn đạp để lực lượng Việt Minh địa phương tiến công tiêu diệt địch. Do đó, giặc Pháp đã mở nhiều cuộc hành quân để càn quét, bắt bớ và dồn dân làng Cát Bay về khu tập trung ở Long Hương để dễ bề kiểm soát và cắt đứt mọi liên lạc với vùng kháng chiến Bình Thạnh. Mặc dù vậy, người dân làng Cát Bay vẫn kiên trung bám đất bám làng để phục vụ kháng chiến đã làm cho giặc Pháp vô cùng căm tức và tìm mọi cách để xóa trắng khu vực này bằng chính sách “phá sach, đốt sạch, giết sạch”.
Cách đây 65 năm vào sáng ngày 20/02/1951, quân đội Pháp đã mở cuộc càn quét vào làng Cát Bay, xã Bình Thạnh. Dưới bàn tay tàn bạo, man rợ và vô nhân tính của kẻ thù, 311 người dân vô tội làng Cát Bay đã bị giặc giết chết, nhiều người bị thương, hàng trăm ngôi nhà bị thiêu rụi, hơn 100 con trâu bò bị sát hại. Buổi sáng yên bình của người dân làng Cát Bay bỗng chốc rơi vào tình cảnh tang tóc, đau thương. Có thể nói, vụ thảm sát làng Cát Bay là hành động man rợ và là đỉnh cao tội ác của quân đội Pháp, có thể sánh ngang với vụ thảm sát mà quân đội Mỹ đã gây ra đối với người dân vô tội ở thôn Mỹ Lai, xã Sơn Mỹ, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi vào năm 1968.
Sau năm 1975, nhân dân Bình Thạnh đã góp công sức để xây dựng gian thờ đơn sơ và một số hạng mục phụ cận ngay tại vị trí xảy ra vụ thảm sát làm nơi tưởng niệm và thực hiện các nghi lễ theo tập tục đối với vong linh của những người đã khuất.
Khu di tích lịch sử Cát Bay được coi là chứng tích chiến tranh ghi lại tội ác của thực dân Pháp đối với người dân Việt Nam; góp phần giáo dục cho thế hệ trẻ lòng yêu quê hương đất nước, ý chí đấu tranh cách mạng kiên trung, bất khuất của ông cha ta trong những năm tháng chiến tranh ác liệt. Qua đó, nhắc nhở cho thế hệ trẻ biết được những gian truân, sự hy sinh, mất mát của thế hệ cha anh đi trước mới có được hòa bình, độc lập và cuộc sống ấm no, hạnh phúc ngày hôm nay. Từ đó, hướng các thế hệ trẻ dù ở trong môi trường và hoàn cảnh nào cũng luôn nhớ về cội nguồn, tình yêu quê hương đất nước; sống, học tập và làm việc sao cho xứng đáng là người con của một dân tộc anh hùng!