Đền Voi Phục là một di tích lịch sử lâu đời và là một thắng cảnh của Hà Nội.
Từ đường Cầu Giấy ở phía nam qua một khu đất rộng là cổng vào đền. Cổng xây hai cột trụ, hai bên có hai bệ xây trên có hai con voi đắp nằm phù phục (do đó có tên là đền Voi Phục).
Qua cổng là con đường lát gạch dài, hai bên đường là những gốc muỗm cổ thụ tỏa bóng mát. Gần tam quan phía bên ngoài có một đầm nước rộng, trên bờ mọc chi chít những cây si lâu đời rễ tỏa xuống chằng chịt che cả mặt nước. Đây vốn là nơi cấm địa nên cây cối mọc tự do không bị phá chặt, tốt như rừng.
Tam quan là một nếp nhà có mái lòng rộng, đi lên có bậc thềm xếp bằng đá tảng. Phía trong tam quan là đền với nền cao nhiều bậc đi lên vì đền xây trên một quả gò; chung quanh đền có tường hoa. Con đường đi men bên dưới thềm lát gạch, vào tiếp giữa làng Thủ Lệ.
Đền diện tích rộng đến sát chân đê. Đền làm giữa một khu vực nhiều cây lớn tỏa bóng râm mát quanh năm. Đền gồm hai lớp bảo điện: bên ngoài là nhà đại bái, bên trong là hậu cung.
Đền Voi Phục được giữ gìn nên qua nhiều thời kỳ biến động và chiến tranh, ít bị tàn phá, và thường được trùng tu, vì đây là một trong bốn ngôi đền trấn giữ bốn phương cho kinh thành Thăng Long.
Thần Linh Lang là một vị thần được thờ ở rất nhiều noi trong thành phố Hà Nội làm thành hoàng làng, thờ riêng một vị hoặc chung với mấy vị thần khác. Những noi đố là: đền Thủ Lệ, đình Ngọc Thanh (phố Sơn Tây), đình Nam Ngư, đình Thịnh Yên (phố Huế), đình Vân Hồ, đình Đông Hà và đình Đại Lợi (phố Hàng Đào), đình cổ Vũ (Hàng Gai), đình Đồng Nhân, đình Giáo Phường (phố Huế), đình Kim Liên, đình Lương Sử, đình Nam Đồng, đình Trang Lâu (phố Lò Sũ), đình Đoài Môn.