Năm 1889, Công ty Điền địa Đông Dương (Société foncière de l''Indochine) được phép thành lập một công ty khai thác giao thông bằng xe điện ở Bắc Kỳ.
Hệ thống đường xe điện dự kiến trong nội thành Hà Nội sẽ có:
- Đường A từ Bờ Hồ đi Bạch Mai đến ô Cầu Dền, dài 3.524,5 mét;
- Đường B từ Bờ Hồ đi chợ Bưởi, dài 5.439,6 mét;
- Đường c từ Bờ Hồ đi Thái Hà ấp, dài 4.131,9 mét.
Năm 1904, họ được nối dài thêm những con đường đã làm trước và làm thêm đường mới. Đường Thái Hà ấp bắc thêm đến thị xã Hà Đông đường ô Cầu Dền bắc thêm xuống đến Bạch Mai, ngã tư Trung Hiền. Đường mới làm có đường Bờ Hồ - cầu Giấy với dự kiến kéo dài thêm đến thị xã Sơn Tây.
Việc khai thác bắt đầu từ 1902. Thuở ấy giá vé bốn xu một chặng đường năm kilômét là thứ tiêu xa xỉ nên không có nhiều hành khách đi xe điện. Sở Xe điện lỗ vốn về chuyên chở, nhưng lại thu được nhiều tiền bằng cách bán lại đất dọc hai bên đường sắt (được giá đất trong nội thành) do hợp đồng với nhà nước cắt nhường cho với giá rẻ mạt. Nhiều người Việt Nam cũng làm giàu nhờ Sở Xe điện (như Trương Gia Hội phố Hàng Rươi buôn bán sắt cũ).
Năm 1927, sở Xe điện thuộc về công ty Homberg; công ty đó bỏ thêm vốn, bắc thêm mấy đường mói, đường Kim Liên - Yên Phụ, đường này sau được nối thêm đến Cống Vọng.
Trụ sở công ty Xe điện đặt ở phố Thụy Khuê, số nhà 67. Bên trong có nhiều nhà: phòng giấy, kho vật liệu, xưởng sửa chữa đầu máy và toa xe, nhà ở của giám đốc.
Công nhân viên sở Xe điện có mặt trong nhà máy không nhiều: một số ít làm bàn giấy: hành chính, kế toán, thủ kho; thợ đốt lò để phát động máy điện (làm theo ca liên tục ngày và đêm), thợ điện (5 người), thợ bảo dưỡng toa xe như mộc, rèn chuyên sửa chữa những chỗ hỏng nhỏ. Việc sửa chữa lớn giao cho những xí nghiệp cơ khí ở Hà Nội có đủ công cụ như nhà Berset, Fayninh, Stai, làm nhũng công việc gò, đúc.
Nhân viên phần đông là những lái tàu (Watinan), bán vé, soát vé, tức là những nhân viên làm các công việc khai thác trên đường dài. Họ lĩnh lương rất thấp (5-6 đồng một tháng) nhưng biết kiếm chác thêm bằng cách xà xẻo tiền bán vé.