Chùa Thày (Thiên Phúc tự) làm ở trên núi Sài Sơn huyện Yên Sơn, nay là xã Thụy Khuê huyện Quốc Oai. Núi Sài Sơn còn gọi là núi Phật Tích.
Chân núi có dải hồ rộng. Hồ ở trước mặt cổng chùa, chu vi đến ba dặm (Đại Nam nhất thống chí).
Chùa Thiên Phúc có từ đời Lý (thế kỷ XI), được trùng tu năm Cảnh Thịnh 2 (Giáp Dần 1794).
Hồ dưới chân núi được bố trí làm sân khấu múa rối nước, có nhà thủy đinh và cái cầu xây được đặt tên là Nhật Tiên và Nguyệt Tiên, cầu có mái ngói do Phùng Khắc Khoan cho xây. Từ ngoài vào chùa phải lên nhiều bậc xây gạch.
Trong chùa gian giữa đặt tượng Tam thế, tượng Thích Ca; gian bên trái có tượng Từ Đạo Hạnh nhà tu hành: mũ hoa sen, áo cà sa vàng; gian bên phải có tượng Từ Đạo Hạnh khi làm vua Lý Thần Tông: mũ bình thiên, áo bào rồng vàng. Chung quanh bàn thờ là những tượng gia nô, hạc thờ. Hội chùa vào ngày 5 tháng ba âm lịch.
Sườn núi Sài Son phía sau có chùa Bối Am một mái, dựng vào thế kỷ XVI, do một bà chúa nhà Mạc bỏ tiền ra làm; chùa được sửa chữa lại nám Nhâm Thìn 1592 (thời Mạc Toàn); đến năm Long Đức 1 (Nhâm Tý 1732) một bà phi phủ chúa Trịnh sửa lại chùa và mở rộng thêm.
Trèo lên nữa là chùa Cao (am Hiển Thụy) dựng trong thời Lê Hiến Tông (Cảnh Thống 3 - Canh Thân 1500).
Trên đỉnh núi Sài Sơn là một khoảng đất bằng phẳng được gọi là chợ trời. Chung quanh núi có nhiều hang động: hang Thánh Hóa (một hòn đá lớn in vết chân Từ Đạo Hạnh trước khi hóa thân), hang Bò (đường vào khúc khuỷu, người vào vừa đi vừa bò), hang Gió (gió luôn luôn thổi lồng lộng).