Bia Tiến sĩ trong Văn Miếu Hà Nội
Miếu thờ Khổng Tử, đổi làm trường Quốc học, tức là nơi giữ được kỷ niệm những nhân vật xuất sắc trong việc học tập của nước nhà qua các triều đại, và cũng là nơi đào tạo lựa chọn nhân tài. Những kỷ niệm đó là những hàng bia tiến sĩ: tuy những hàng bia đó chỉ ghi được tên những người đỗ đạt trong những khoa thi Hội ở thời Lê Sơ, Mạc và Hậu Lê, nhưng cũng đủ đánh dấu được truyền thống hiếu học của dân tộc ta, những tinh hoa của đất nước vì trên những tấm bia đá đó không thiếu những tên nhân vật đã lừng danh trong quốc sử về tài chính trị, ngoại giao và văn học.
Theo những sách cũ, qua các triều đại phong kiến từ Lý, Trần đến Hậu Lê, Nguyễn trải 900 năm, Việt Nam đã tổ chức được 201 khoa thi chính quy cấp đại học và đã có 2.964 người trúng tuyển nhưng ở Văn Miếu chi có ghi tên những người đỗ đại khoa từ năm Nhâm Tuất 1442 (Đại Bảo 3 Lê Nhân Tông) đến khoa Kỷ Hợi 1779 (Cảnh Hưng 40 Lê Hiển Tông) mà cũng chưa được đầy đủ. Tổng số khoa thi dưới mấy triều Lê Sơ, Mạc, Lê Mạt là 129 khoa thi với 1.914 tiến sĩ, nay chỉ còn lại 82 tấm bia và một con rùa ghi tên 1.323 người đỗ đại khoa, như vậy còn thiếu gần một nửa tên tuổi các tiến sĩ.
Lần đầu tiên dựng bia trong nhà Quốc học là năm Giáp Thìn 1484, Lê Thánh Tông sai dựng 7 tấm bia cho 7 khoa đã được tổ chức theo chế độ thi cử chính quy bắt đầu từ năm Đại Bảo 3 khoa Nhâm Tuất (1442). Rồi từ năm Đinh Mùi 1487 đến năm Bính Thìn 1536, dựng tiếp 11 bia nữa sau còn sót lại có 7 tấm bia được dựng ngay trong năm sau khoa thi hoặc chậm lắm là vài năm thôi.
Rồi qua một thời gian dài, tình hình chính trị không được ổn định, Trịnh Mạc phân tranh, nên sau những khoa thi Hội không có bia tiến sĩ. Năm Thịnh Đức (Bính Thân 1536), thời chúa Tây vương Trịnh Tạc triều Lê Thần Tông là thời kỳ tương đối ổn định và thịnh vượng, nhà nước mới lại nghĩ đến việc dựng bia ở nhà Quốc học và cho truy lập một lần 25 bia cho những khoa thi từ Lê Trung Hưng thi ở Thanh Hóa năm Giáp Dần 1554 đến khoa Nhâm Thìn 1652 thi ở Đông Kinh, chia cho các triều thần viết văn bia cho mỗi khoa.
Bẵng đi 61 năm, do nhiều nguyên nhân (chiến tranh chuyện phế lập xảy ra trong triều vua Lê và phủ chúa Trịnh), đến năm Đinh Dậu 1717 thời Nhân vương Trịnh Cương và vua Lê Thần Tông, mới có việc dựng bia tiến sĩ ở nhà Quốc học, truy lập một lần 21 bia cho những khoa chưa có bia từ năm Bính Thân 1656 đến Ất Mùi 1715; mỗi bia cũng có một nhóm văn hào đỗ trước được cử ra viết bài ký. Lần truy lập bia thứ ba này, nhà nước chỉ chịu chi phí tổn dựng cho những người có tên đỗ đã mất, những người còn sống phải đóng góp thêm cho đủ.