Giữa khu vực Đồn Thủy và thôn Nhân Chiêu - Cảm Ứng, có một bãi cát dài đến 500 mét và rộng đến 50 mét; bãi cát nằm dọc theo hai bên đường phố theo hướng bắc-nam, hai đường phố đó là phố Trần Thánh Tông (thời Pháp thuộc gọi là Rue Capitaine Pouligo) và phố Tăng Bạt Hổ (tên cũ là Rue Révérony).
Xét theo bản đồ Hà Nội cũ (năm 1890 và 1921) thì con đường đê cũ sông Hồng thời đầu Pháp thuộc kể từ cửa ô Tây Long (chỗ Nhà hát Lớn) đi xuống đến cửa ô Nhân Hòa (đầu đường Trần Hưng Đạo lối ra bờ sông); rồi vào phía bên trong hệ thống hồ ao, ở bên phía đông hồ Hữu Vọng. Hệ thống hồ ao ở khu vực này, kể cả hồ Hữu Vọng bị lấp dần vào những năm hai mươi. Nơi đây thành một bãi đất rộng trồng chuối, còn phía bên ngoài đê cũ là một bãi cát dài. Bãi cát đó ở vào giữa hai con đường mới hình thành, và sau khi khu vực được quy hoạch để xây dựng nhà cửa thì con đường đó là hai phố Pouligo và Révérony.
Địa hình phía bắc khu vực này có phần hơi phức tạp vì đường vạch của mấy phố Gambetta (Trần Hưng Đạo), Bobillot (Lê Thánh Tông), Pavie (Hàn Thuyên) và Berthe de Viliers (Đinh Công Tráng) đan vào nhau. Hai bên mặt đường đầu phố Trần Hưng Đạo, một bên là trại lính của khu Đồn Thủy, có một đường chéo ngắn là phố Đinh Công Tráng; đi cạnh một vườn hoa nhỏ hình tam giác, gọi là vườn Berthe de Viliers (nay là vườn Vụ Quang); một bên, về phía nam, là cổng chính bệnh viện Đồn Thủy (Quân y viện Lanétxăng), cạnh là một khoảng đất rộng sát mặt đường, gọi là vườn Gambetta (sau đổi là vườn hoa Bình Than). Chỗ mấy đường phố giao nhau, ngã năm Trần Hưng Đạo - Lê Thánh Tông - Hàn Thuyên - Trần Thánh Tông - Tăng Bạt Hổ cũng có một bãi đất hẹp nữa, hình tam giác, coi như một vườn hoa và đặt tên là vườn Révérony (sau gọi là vườn Tăng Bạt Hổ).
Tại sao lại có những khúc đường ngắn gãy góc như vậy; đó là đường vạch của bờ lũy sót lại của con đê cũ - vừa là đê bên sông vừa là lũy thành ngoại - đúng vào chỗ cửa ô Nhân Hòa, có đường thông ra bến sông. Khi mở phố, người Pháp vẫn để nguyên vạch có sẵn và đường phố đi theo đoạn đê cũ. Phố Révérony (Tăng Bạt Hổ) là một đoạn đê cũ đó..
Trải dọc theo hai bên đê - vẫn theo bản đồ 1890 - hồ Hữu Vọng dưới tồn tại khá lâu song nó đã bị thu hẹp đi nhiều, chiều dài vẫn còn lớn. Bên phía đông con đê cũng có một hồ nước lớn, tức là con lạch cũ cạnh đê bị cát bồi hai đầu. Hai hồ nước đó đã bị lấp hết: hồ Hữu Vọng thành khu vực Hàng Chuối, và hồ ngoài đê thành bãi rộng dọc theo tường phía tây bệnh viện Đồn Thủy.
Khu vực này mở mang rất chậm. Từ chỗ giáp vói đường Gambetta (Trần Hưng Đạo) tức là đoạn gãy góc ở đầu phố Révérony (Tăng Bạt Hổ), có nhà cửa trước nhất làm vào những năm thập niên mười, hai mươi khi có phố Hàn Thuyên, đó là những ngôi nhà gác kiểu cũ, bên trong còn những khoảng đất rộng, ở đó có nhà hàng Kirin dùng làm nơi chứa đồ cho thuê đám ma Tây và xưởng đóng quan tài cung cấp cho bệnh viện Đồn Thủy. Gần đó còn có nhà nấu cồn của bệnh viện và Công ty Texor dệt thảm đay (Société des Tapis). Những hãng nói trên chỉ tồn tại được một thời gian không dài.