Cách thành phố Tuy hòa 35km về phía bắc, nhà thờ Mằng Lăng thuộc huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên được xây dựng vào năm 1892. Vẻ ngoài nhà thờ mang sắc màu xanh xám từ khi được xây dựng, qua nhiều lần sơn sửa, tường nhà thờ từng được thay đổi thành một số màu khác nhưng sau đó nhà thờ được khoác trở lại màu sắc ban đầu như một nét đặc trưng nhưng phù hợp nhất với kiến trúc nhà thờ.
Nhà thờ được thiết kế bởi kiến trúc sư người pháp, nhà thờ Mằng Lăng mang dáng dấp đặc trưng của kiến trúc Gothic – phong cách kiến trúc tại Châu Âu cách đây 1200 năm. Giới kiến trúc trong nước đánh giá rất cao lối kiến trúc độc đáo của nhà thờ Mằng Lăng vì đó là sự hòa quyện giữa lối kiến trúc văn hóa châu âu và những chi tiết trang trí mang đậm văn hóa Việt. Tuy đã hơn 120 năm tuổi nhưng những chi tiết đến nhỏ nhất đến nay vẫn còn hầu như nguyên vẹn.
Sở dĩ nhà thờ có tên là Mằng Lăng bởi vì khi xưa nơi đây có rất nhiều cây rừng mọc xung quanh, có một loại cây mọc nhiều nhất đó là cây Mằng Lăng nên người dân đã lấy tên của loài cây này để đặt tên cho nhà thờ. Hiện nay, Cây Mằng Lăng ở đây không còn nữa nhưng không vì thế mà cái tên nhà thờ Mằng Lăng bị mất đi. Hiện nay, Nhà thờ còn lưu giữ một bàn gỗ mặt tròn được làm từ gỗ của loài cây này có đường kính lên đến 1,7m.
Trong khuôn viên sân của nhà thờ Mằng Lăng có một ngọn đồi nhân tạo được dựng lên năm 2006. Bên trong thiết kế như một hang động là "Phòng truyền thống" của nhà thờ Mằng Lăng. Về thiết kế phòng truyền thống theo phong cách này đã không phá vỡ cảnh quang khuôn viên nhà thờ. Bên trong hang động là những hình ảnh về cuộc đời của thánh Anrê Phú Yên sinh năm 1625 và mất năm 1644 khi ông tròn 19 tuổi, ông là một nhà truyền giáo và đã tử vì đạo. Đây là người đã tử vì đạo đầu tiên và là một trong số 117 người đã tử vì đạo trên thế giới đã được phong Á Thánh. Bên cạnh đó, bên trong phòng truyền thống còn có những hình ảnh của giáo sỹ Đắc Lộ - ông Alexandre de Rhodes, người đã có công khai sinh ra chữ quốc ngữ của Việt Nam.
Ngay trong khuôn viên nhà nguyện của thánh Anrê có một tài liệu được trưng bày hết sức trang trọng đó là cuốn sách được in bằng chữ quốc ngữ đầu tiên của Việt Nam do người khai sinh ra chữ quốc ngữ của Việt Nam – ông Alexandre de Rhodes biên soạn. Đây là quyển giáo lý Phép giảng tám ngày của Linh mục Đắc Lộ (người dân địa phương gọi là cha Đắc Lộ) - người khai đã sinh ra chữ quốc ngữ ở Việt Nam. Cuốn sách được giữ trang trọng một cách đặc biệt trong một hộp kính, sách được in năm vào năm 1651 tại Roma của Ý. Quyển sách được in bằng hai thứ tiếng, tiếng la tinh bên trái và tiếng Việt bên phải.
Với những giá trị kiến trúc cũng như là vai trò trong đời sống tin thần của người dân địa phương thì nhà thờ Mằng lăng được nhắc đến khi nói về những công trình gắn liền với sự phát triền của vùng đất Phú Yên. Ngày nay, nhà thờ Mằng Lăng không chỉ là điểm sinh hoạt văn hóa của người dân địa phương mà còn là nơi thu hút rất đông du khách khi đến với Phú Yên.